Mức độ quan tâm học tiếng Đức tăng vọt ở Việt Nam hậu đại dịch Covid-19, Arik Jahn, trưởng bộ phận ngôn ngữ tại Viện Goethe ở TP HCM, nói với đài DW của Đức.
Số lượng bài kiểm tra tiếng Đức được thực hiện tại Viện Goethe TP HCM đã tăng hơn 150% kể từ năm 2019. Con số này dự kiến sớm tăng gấp ba lần.
Không chỉ Việt Nam, mối quan tâm về tiếng Đức gia tăng trên khắp Đông Nam Á. Bộ Ngoại giao Đức ước tính khoảng 14.000 người Việt Nam, 15.000 người Malaysia và hơn 17.000 người Thái Lan học ngôn ngữ này.
Tháng 8/2023, Bộ Giáo dục Singapore thí điểm 120 học sinh từ 21 trường cấp ba học tiếng Đức như ngôn ngữ thứ ba. Chương trình sau đó thu hút tới hơn 1.500 người. Bộ dự kiến tăng số lượng tuyển sinh và học phần.
"Hỗ trợ học và dạy tiếng Đức ở nước ngoài từ lâu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại về văn hóa và giáo dục của Berlin", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói. "Thông qua ngôn ngữ, chúng tôi mang đến cơ hội tiếp cận nền kinh tế lớn nhất châu Âu".
Trụ sở Viện Goethe ở Đức. Ảnh: DW
Nguyên nhân chính giải thích xu hướng tăng học tiếng Đức tại Đông Nam Á là cơ hội việc làm, đặc biệt trong bối cảnh Berlin thông qua Đạo luật Nhập cư mới dành cho lao động lành nghề hồi tháng 11/2023, nới lỏng các rào cản cho nhóm lao động lành nghề bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Đạo luật này nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động ở một số lĩnh vực. DW dẫn số liệu cho biết Đức đang cần khoảng 150.000 y tá, điều dưỡng viên. Đầu năm 2023, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cảnh báo quốc gia sẽ thiếu khoảng 7 triệu lao động vào năm 2035 "nếu không hành động".
"Đạo luật thúc đẩy cơ hội tham gia thị trường lao động Đức cao hơn bao giờ hết, nhiều người nhận thấy học tốt tiếng Đức là chìa khóa cho tầm nhìn dài hạn ở nước này", ông Jahn ở Viện Goethe TP HCM nói.
Áo, quốc gia nói tiếng Đức, cũng đang tăng cường tuyển dụng y tá, điều dưỡng viên châu Á, đặc biệt là từ Philippines. Chính phủ Áo tài trợ cho những người Philippines học tiếng Đức, kỳ vọng họ có thể đến và làm việc ở nước này trong vài năm.
Mối quan tâm tiếng Đức tăng ở Đông Nam Á cũng liên quan đến giáo dục. Phần lớn học viên tại Malaysia quan tâm đến cơ hội học tập tại các trường đại học Đức, Rudi Herrman, thành viên hiệp hội Malaysia - Đức, nói. Số khác quan tâm đến các chương trình cho phép học viên thực tập tại các công ty Đức.
Trong kỳ học mùa đông 2023, Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức (DAAD), ghi nhận hơn 370.000 sinh viên trao đổi quốc tế, nhiều nhất lịch sử. Đức cũng là một trong những nước có tỷ lệ giữ chân sinh viên quốc tế cao nhất, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Ông Jahn cho hay người Đông Nam Á đang thay đổi tư duy học tiếng Đức. "Trước đây, họ học để có chứng chỉ xin thị thực làm việc, còn hiện ngày càng nhiều người nhận ra trình độ ngôn ngữ cao thì cơ hội thành công ở Đức cũng cao hơn", ông nói.
Đức Trung (Theo DW)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Học Tiếng Đức
Chương trình hội nhập Cuộc sống ở Đức